Đồ gỗ và rừng, so sánh Anh - Việt
Khi mới sang Anh, những đồ gỗ ở đây khiến tôi ngạc nhiên, phần nhiều là gỗ thông và gỗ ép.
Công nghệ chế tạo gỗ của Anh rất phát triển. Tôi mua bàn ghế hay tủ chở về tự lắp, đồ gỗ họ làm bằng máy, từ gỗ thông và gỗ vụn ép rồi họ làm thế nào mà thành những tấm gỗ rất chắc và bền, những cánh của trong nhà cũng dùng gỗ ép, nhẹ và giữ nhiệt.
Nghệ nhân gỗ ở Anh |
Một lần đi uống bia ở một quán rượu cổ mà anh bạn người Anh cùng đi với tôi khoe đã 200 năm. Anh chỉ cho tôi cái rầm chính đỡ trần nhà được làm từ thân một cây gỗ sỗi khổng lồ, trước khi người ta dùng nó làm rầm nhà, nó đã từng là cái xương sống của một thuyền gỗ cổ.
Anh bạn chỉ cho tôi những cái mộng để kết nối với xương thuyền, rồi anh nói: "Ở Anh, những cây gỗ như thế này bây giờ không được phép đốn hạ nữa."
Quả vậy, ở Anh có những cây rất khổng lồ, cả một rừng, và khi có cây nào đó bị mối mọt cần cắt bỏ vì lo đổ vào đầu người.
Những người có trách nhiệm sẽ đến, cưa thành từng khúc, những cành lá nhỏ sẽ bị cho vào một máy xay họ kéo sau, ngiền thành vụn nhỏ, còn thân cây to họ cắt khúc để mặc đó.
Tôi thắc mắc với hai ông bà già đi dạo trong công viên thì được họ giải thích:
"Khi một cây chết đi không có nghĩa chết hẳn mà còn một đống sâu bọ đang sống bên trong.
"Cây đó sẽ bị bỏ đó cho tới khi mục rỗng hoàn toàn để làm quà cho sâu bọ, ở những nước giàu, sâu bọ cũng được quan tâm, vì nằm trong chuỗi thức ăn."
Bị phạt nặng
Ở Anh, nếu anh tự tiện chặt một cây ở đất công, anh có thể bị phạt tới 20.000 bảng Anh, tương đương với 600 triệu đồng Việt Nam.
Và ở đây, những rừng cây luôn được bảo tồn và phát triển, tôi đã chụp ảnh được cả một con hươu ở ven biển cuối nước Anh.
Chỉ cần đi bộ quanh một cái hồ bất kì nào ở nước Anh, bạn đều có cảm tưởng đi thăm quan một sở thú nhỏ, đầy những thiên nga, ngỗng, vịt trời, sâm cầm, cốc, hải âu và quạ vv,
Ở trên bờ thì rất nhiều thỏ, sóc, nhím, chồn cáo hươu và hoẵng. Nhà cô bạn tôi ở Cambrige vẫn có những cặp gà lôi bay vào vườn nhà cô kiếm ăn.
Việt Nam thì rừng gần như đã bị chặt hết, do thói quen dùng gỗ.
Nhà nào có tiền cũng dùng những tủ gường hay cánh cửa bằng gỗ nguyên tấm, xẻ ra từ những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
Có một lần, hồi trước đây, tôi đưa một nhân viên về an toàn người Anh đi kiểm tra nhà người Anh thuê tại Hà nội.
Sau khi kiểm tra, anh bắt phải thay những cánh cửa giữa các phòng, lí do là những cánh cửa gỗ nặng trịch đắt tiền đó…"bền quá".
Hóa ra theo tiêu chuẩn an toàn anh ta giải thích cho tôi, những cánh cửa ngăn các phòng phải đủ yếu để bị phá sau khoảng 20 giây với người bình thường, để trong trường hợp khẩn cấp, có thể thoát hiểm.
Những phim nước ngoài hay có cảnh một anh lấy đà dùng vai húc tung cánh cửa khóa trái, ở Việt nam thì còn lâu mới phá được kiểu đó.
Thói quen dùng gỗ tại Việt Nam |
Chở gỗ lậu
Hồi tôi còn làm lái xe đi Tây Bắc, tôi cũng nhiều lần nghe nói về nạn chở gỗ lậu.
Những người buôn giấu những tấm gỗ thuộc loại gỗ quý bị cấm vận chuyển dưới sàn xe. Họ thường nhờ lái xe “làm luật”, tức hối lộ những anh công an để được đi thoát.
Nếu về được tới Hà Nội, những tấm gỗ đó rất có giá.
Lực lượng kiểm lâm rất mỏng không đủ sức canh giữ, và người dân tộc nghèo chỉ có cách kiếm ăn duy nhất là chặt những cây gỗ to, xẻ ra và bán.
Đôi khi tôi đọc được trên báo chí về những vụ phá rừng đựoc cho là do chính kiểm lâm tiếp tay và lại nhớ đến câu ngạn ngữ ở Việt Nam nói ”làm nghề nào ăn nghề ấy”.
Thói quen dùng gỗ liền tấm ở Việt Nam khiến cho rừng cạn kiệt.
Ngay nhà tôi ở Việt Nam cũng có một bộ bàn ghế kiểu cổ, gỗ nghiến khảm trai và ốc và rất nặng.
Nếu đi theo bộ thì sẽ có thêm một cái phản, tức hai tấm gỗ rất lớn ghép với nhau dùng làm gường nằm ban đêm, ngồi uống nước hay ăn cơm ban ngày, rồi một cái tủ và một bộ tứ bình treo trên tường, tất nhiên đều bằng gỗ khảm trai hay ốc.
Mốt làm nhà gỗ cũng khiến cho tốc độ phá rừng tăng dần. Những ngôi chùa kiểu như chùa Trăm Gian đều cần đến cả ngàn mét khối gỗ mỗi lần tu sửa. Lần phục chế gần đây của chùa này dùng gỗ chở từ Lào sang, bởi vì Việt Nam về cơ bản, đã hết những cây gỗ to đủ tiêu chuẩn này.
Và rừng cứ thế, với thói quen dùng đồ gỗ kiểu Việt Nam, đang bị đốn hạ với tốc độ khủng khiếp.